Home » Uncategorized » Chu kỳ là gì?

Chu kỳ là gì?

Một trong những phát minh quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại là bánh xe. Nhờ có bánh xe, lực cản ma sát trượt do sự tiếp xúc giữa mặt đất với phương tiện vận chuyển được chuyển thành ma sát lăn  giúp giảm thiểu năng lượng cần thiết để di chuyển một vận nặng, từ khi có bánh xe, các nền văn minh của nhân loại ngày càng phát triển rực rỡ với nhiều thành tựu đáng kinh ngạc. Bánh xe có mặt trong tất cả các phương tiện vận chuyển của loài người từ xe đạp, xe máy, ô tô, máy bay cho đến các vật dụng trong nhà như bàn, ghế, giường, tủ…

Chuyển động quay của bánh xe là chuyển động tròn, nghĩa là sau một thời gian bánh xe sẽ quay lại một vòng và cứ tiếp tục lặp lại vòng quay đó theo thời gian.

Nội động từ cycle trong tiếng Anh có nghĩa là quay vòng tròn theo chu kỳ, còn danh từ cycle có nghĩa là chu kỳ hay tuần hoàn đó là một khoảng thời gian mà một hiện tượng hay một sự việc nào đó hoàn tất, chẳng hạn 24 giờ là khoảng thời gian trái đất hoàn tất một vòng xoay xung quanh trục của nó, 365 ngày là khoảng thời gian trái đất hoàn tất vòng xoay xung quanh mặt trời tạo thành bốn mùa xuân – hạ – thu – đông.

Gốc tiếng Latin của từ cycle là cyclus, còn trong tiếng Hy Lạp là kyklos, cả hai từ này đều có nghĩa là circle (hình tròn, tuần hoàn) và wheel (bánh xe).

Trong đạo Phật, bánh xe được sử dụng là một biểu tượng quan trọng để chỉ về sự luân hồi. Luân hồi, tiếng Phạn là samsàra, có nghĩa là sự chuyển sinh, sự chuyển tiếp, sự diễn tiến liên tục của những kiếp sống; và sự chuyển sinh liên tục đó, thường được biểu thị bằng bánh xe (cakka) và được gọi là bánh xe luân hồi (samsaracakka).

Read more: Luân hồi là gì? Định nghĩa, tính chất | Tham khảo | Tài nguyên ngoài http://tuyenphap.com/Tham-khao/Luan-hoi-la-gi-Dinh-nghia-tinh-chat#ixzz2tJhd33Oe

Bánh xe luân hồi – một biểu tượng quan trọng của Phật giáo

Mỗi điểm trên bánh xe không có khởi đầu và kết thúc bởi bánh xe luôn quay mãi theo thời gian. Luân hồi, một triết lý quan trọng của Phật giáo, cho rằng không có điểm khởi đầu và cũng không có điểm kết thúc, không có thủy chung và cũng không có tận cùng, tất cả vạn vật sinh ra đều là sự chuyển biến theo thời gian.   

Sinh, lão, bệnh, tử là một vòng luân hồi hay một chu kỳ của một đời người và vòng luân hồi đó không bao giờ chấm dứt mà liên tục tiếp diễn giống như trái đất xoay quanh trục của nó tạo thành ngày và đêm, xoay quanh mặt trời tạo nên bốn mùa xuân – hạ – thu – đông. 

Có hàng ngàn chu kỳ đang diễn ra xung quanh bạn, bạn hãy đặt tay phải lên ngực trái để cảm nhận nhịp đập của tim theo chu kỳ, bạn có thể đo nhịp đập diễn ra một cách đều đặn đó bằng điện tông đồ. Bất chấp mỗi nhịp đập được đo bằng điện tông đồ có hình dáng khác nhau, bạn luôn có thể nhận ra sự vận động theo chu kỳ của tim. Bạn cũng có thể quan sát sự lên xuống của thủy triều để phát hiện sự vận động theo chu kỳ của nó. Bạn cũng có thể nhìn ngắm mặt trăng để nhận ra chuyển động quay quanh trái đất của mặt trăng và nhận ra khi nào trăng tròn, khi nào trăng khuyết. Bạn cũng có thể tìm hiểu vòng tuần hoàn của nước để biết rằng những giọt mưa sẽ thấm vào đất rồi chảy ra sông, nước từ sông lại chảy ra biển, nước từ biển bốc hơi lên tích tụ thành mây, gió thổi mây vào đất liền tạo thành mưa. Những chu kỳ sẽ liên tục nối tiếp nhau theo thời gian một cách tuần hoàn.

Chu kỳ cũng xuất hiện trong các hoạt động kinh tế, một chu kỳ sống của sản phẩm sẽ trải qua bốn giai đoạn.

1. Giai đoạn 1: Giới thiệu. Một sản phẩm mới được sinh ra (chế tạo, phát minh, sáng chế) cần được giới thiệu với người tiêu dùng khi họ chưa biết sự tồn tại của sản phẩm đó, do đó nhà sản xuất phải marketing để thị trường biết đến sản phẩm. Trong giai đoạn này, doanh số bán ra của sản phẩm tăng chậm, chi phí marketing cao, lợi nhuận thấp, thậm chí có khả năng bị lỗ. Nhưng với nhà đầu tư, đây là giai đoạn quan trọng nhất để đánh giá tiềm năng của một sản phẩm vì họ có thể đo lường được mức độ yêu thích của người tiêu dùng với sản phẩm, khi người tiêu dùng cảm thấy yêu thích sản phẩm đó, họ sẽ tiếp tục sử dụng sản phẩm đó và giới thiệu cho những người xung quanh và chu kỳ sống của sản phẩm bước vào giai đoạn 2, giai đoạn phát triển.

Bài học cho một nhà đầu tư vào các sản phẩm công nghệ đó là tìm mua cổ phiếu của một công ty trong giai đoạn giới thiệu sản phẩm ra thị trường bởi vì đây là giai đoạn mà sản phẩm đã thành hình để có thể đánh giá được chất lượng sản phẩm, mức độ yêu thích của những người tiêu dùng đầu tiên đối với sản phẩm nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp chưa có, thậm chí bị lỗ do chi phí marketing làm thị trường định giá thấp giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp. Đây là giai đoạn nhìn trông có vẻ ảm đạm nhưng tương lai dự báo huy hoàng.

Khi Apple giới thiệu máy nghe nhạc Ipod vào ngày 23 tháng 10 năm 2001, giá cổ phiếu hãng Apple ở mức 9,3 USD. Với thành công của Ipod, Apple tiếp tục phát minh ra các sản phẩm mà thế giới ngày nay trở nên quen thuộc đó là Iphone, Ipad. Với sự thành công của các sản phẩm đó, giá cổ phiếu Apple đạt đến mốc cao nhất trong lịch sử lên đến 680 USD vào ngày 7/9/2012, tăng gấp 73 lần sau 10 năm, trở thành công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới. Một nhà đầu tư mua 10.000 USD cổ phiếu của Apple vào năm 2001 sau 10 năm sẽ tăng lên 730.000 USD. Đó là lý do vì sao giai đoạn giới thiệu sản phẩm là giai đoạn rất quan trọng để nhà đầu tư nghiên cứu và đưa ra quyết định đầu tư, chỉ khi đa số những nhà đầu tư khác chưa biết đến tiềm năng của sản phẩm thì giá cổ phiếu của sản phẩm đó mới có thể mua được với giá rẻ.

2. Giai đoạn 2: phát triển. Các chiến dịch marketing trong giai đoạn giới thiệu phẩm giúp sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến hơn, doanh thu của sản phẩm bắt đầu tăng tốc theo một hàm tăng trưởng, đây là giai đoạn doanh nghiệp thu lợi nhuận do chi phí marketing trên mỗi đơn vị sản phẩm bán ra trong giai đoạn này thấp hơn.

3. Sung mãn là giai đoạn doanh số tăng chậm lại, vì sản phẩm đã được hầu hết khách hàng tiềm năng chấp nhận. Lợi nhuận ổn định hoặc giảm xuống vì tăng chi phí marketing để bảo vệ sản phẩm chống lại các đối thủ cạnh tranh.

4. Suy tàn là giai đoạn doanh số có xu hướng giảm sút và lợi nhuận giảm dần.


Leave a comment